148 Hoang Trong Mau Street, Him Lam Residential Area, Tan Hung Ward, District 7, City. Ho Chi Minh
0349766576

Kỹ sư sáng chế cỗ máy biến rác thải thành phân bón hữu cơ

Từ đống rác thải hữu cơ tưởng chừng vô dụng, qua sáng chế tài hoa của kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh, chúng lại biến thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

Đó là sáng chế của kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh (51 tuổi, ngụ phường Thanh Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai).

Là một người con của Đồng Nai, bao nhiêu năm qua ông Nguyễn Tuấn Anh luôn trăn trở tìm kiếm giải pháp xử lý rác thải hữu cơ hiệu quả. Bởi ông nhìn thấy thực trạng rác thải hữu cơ ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực đô thị.

 

“Rác thải hữu cơ nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, ông nói. Thế rồi, ông nung nấu ý định chế tạo một thiết bị xử lý rác thải hữu cơ hiệu quả và thân thiện với môi trường, biến thứ bỏ đi thành nguồn tài nguyên quý giá.

 

Trên con đường hướng đến một môi trường xanh – sạch – đẹp, vấn đề xử lý rác thải luôn là bài toán nan giải. Trải qua 5 năm miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm, ông Tuấn Anh đã thành công chế tạo máy biến rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh.

Máy có cấu tạo đơn giản, gồm thùng chứa, hệ thống nghiền nát, phun men vi sinh, đảo trộn, tách nước… Rác hữu cơ sau khi được cho vào máy sẽ được nghiền nát, trộn đều với các chế phẩm vi sinh và được tách phần bã riêng và dung dịch nước riêng.

Đối với dung dịch nước sẽ cho vào bể hoặc thùng ủ trong 30 ngày để trở thành phân bón dạng nước. Quá trình ủ được diễn ra trong môi trường yếm khí, giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy và tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh.

Còn phần bã sau khi nghiền nát và trộn men vi sinh sẽ được bỏ vào khay gồm một bên là bã rác, một bên là sinh khối trùn quế. Đây vừa làm thức ăn cho trùn quế, vừa là giải pháp phân hủy rác bằng vi sinh giúp hạn chế mùi hôi và quá trình phân hủy diễn ra được nhanh hơn.

Theo ông Tuấn Anh, máy nghiền rác hữu cơ có khả năng xử lý 30kg rác mỗi giờ, giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường và cung cấp nguồn phân bón tự nhiên cho cây trồng. Ưu điểm của cỗ máy nghiền rác hữu cơ này là có thể ứng dụng trong các địa điểm khác nhau như: hộ gia đình, nhà hàng, khu du lịch, doanh nghiệp, trường học…

“Chi phí sản xuất máy nghiền rác chưa đến 60 triệu đồng nhưng lại góp phần giải quyết bài toán rác thải hữu cơ và bảo vệ môi trường hiệu quả”, ông cho hay.

 

Việc sử dụng máy nghiền rác hữu cơ để xử lý rác thải tại chỗ góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một giải pháp thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, theo đúng định hướng Net Zero mà tỉnh Đồng Nai thực hiện.

Hiện, máy nghiền rác hữu cơ do ông Tuấn Anh sáng chế được ứng dụng hiệu quả tại giáo xứ Biên Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) và giáo xứ An Bình (TP Dĩ An, Bình Dương). Phân bón hữu cơ vi sinh do máy tạo ra được đánh giá cao bởi người sử dụng, giúp cây trồng phát triển xanh tốt hơn.

Anh Đỗ Thái Hoà, người thực hiện vận hành cỗ máy này tại giáo xứ Biên Hòa chia sẻ: “Từ khi sử dụng máy, lượng rác thải hữu cơ trong giáo xứ giảm hẳn. Nhiều tiểu thương ở chợ khi biết đến giáo xứ có máy này còn đem đến những rau củ hư hỏng để nhờ xử lý giúp. Phân bón hữu cơ vi sinh do máy tạo ra rất tốt cho cây trồng, giúp cây phát triển xanh tươi hơn”.

Máy biến rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh của ông Tuấn Anh đã được đánh giá cao bởi các chuyên gia và được trao bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho thiết bị xử lý rác do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN). Ông cũng đã đăng ký sáng chế ở tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Kỹ sư cơ khí Nguyễn Tuấn Anh cho biết, ông đang tiếp tục hoàn thiện máy nghiền rác hữu cơ để nâng cao hiệu quả hoạt động và mong muốn được hợp tác với nhà đầu tư để sản xuất và phân phối máy này trên diện rộng, góp phần bảo vệ môi trường.

 

Với những lợi ích thiết thực, máy biến rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh của kỹ sư cơ khí ở Đồng Nai hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết bài toán rác thải hữu cơ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiệu quả.

 

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

en_USEnglish